Những bạn trẻ mới bước chân vào lĩnh vực truyền thông Marketing đôi khi sẽ bị thu hút bởi những ý tưởng sáng tạo, bứt phá hay những chiến dịch truyền thông đầy cảm hứng mà thường không hiểu rõ những định hướng, nền tảng quan trọng đằng sau đó là gì. Đứng trên góc độ kinh doanh, việc xác định cụ thể mục tiêu luôn là tiền đề quan trọng định hướng cho mọi hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm cả những kế hoạch Marketing và truyền thông. Trong số đó có thể kể ra 3 loại mục tiêu chính, bao gồm: Business Objective, Marketing Objective và Communication Objective.
Cùng 5S Media khám phá chi tiết những mục tiêu này trong bài viết dưới đây.
Business Objective – Mục tiêu kinh doanh
Việc xác định mục tiêu kinh doanh luôn được coi là một trong những công việc quan trọng nhất mà mọi doanh nghiệp cần phải thực hiện hàng tháng, hàng quý cho đến hàng năm. Thậm chí, chúng còn phải xem xét dưới góc độ trung và dài hạn (từ 3-10 năm) đối với các công ty, tập đoàn lớn.
Điều này đảm bảo các hoạt động của mọi phòng ban đều hướng tới chung một đích đến, từ đó giúp tăng hiệu suất, hiệu quả công việc, cũng như đem lại kết quả kinh doanh tích cực cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, mục tiêu kinh doanh cũng được ví như chiếc la bàn, là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp đạt được những kết quả có lợi hơn về mặt tài chính trong thị trường cạnh tranh hiện hữu hiện hữu. Đồng thời một mục tiêu kinh doanh phù hợp cũng là cơ sở để thúc đẩy, tăng hiệu quả các hoạt động quan trọng trong doanh nghiệp như Marketing, phát triển sản phẩm, bán hàng, quản lý kênh phân phối…
Thông thường, doanh nghiệp sẽ tập trung vào các chỉ số căn bản sau khi xác định mục tiêu kinh doanh của mình:
- Doanh thu (Sales): Có 2 mục tiêu chính liên quan đến doanh thu mà doanh nghiệp cần phải lưu tâm, đó là doanh số theo giá trị (Value sales) và theo sản lượng bán (Volume sales).
Ví dụ thương hiệu A đặt mục tiêu bán 10.000 chai dầu gội loại 200 gram với mức giá 50.000 đồng sẽ tương đương với doanh thu 500 triệu đồng và sản lượng 2 tấn dầu gội.
- Thị phần (Market share): Các chỉ số về thị phần luôn là một trong những yếu tố quan trọng đánh giá vị thế của doanh nghiệp trên thị trường so với các đối thủ cạnh tranh.
Ví dụ trong năm 2021, thị phần của thương hiệu A trong ngành hàng là 10%. Sang đến năm 2022, thị phần của thương hiệu đã tăng lên 20%, trong khi mức tăng trưởng ngành chỉ đạt được 5%. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã chiếm được 5% thị phần từ các đối thủ còn lại – là minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển của thương hiệu.
- Sự tăng trưởng (Market growth): Không chỉ hướng đến gia tăng thị phần của bản thân trong miếng bánh thị trường tổng thể, doanh nghiệp cũng cần nỗ lực phát triển quy mô, thúc đẩy sự tăng trưởng của toàn bộ ngành hàng. Khi quy mô thị trường mở rộng, tức là nhu cầu của khách hàng tăng lên thì doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi không nhỏ từ đó.
- Lợi nhuận (Profit): Ngoài mục tiêu về doanh thu thì lợi nhuận cũng là yếu tố rất quan trọng cần được doanh nghiệp cân nhắc. Để đạt được mục tiêu gia tăng lợi nhuận, doanh nghiệp có thể triển khai 2 phương án, hoặc là thúc đẩy doanh số bán, hoặc là cải thiện hiệu suất, giảm thiểu chi phí của mình.
Marketing Objective – Mục tiêu Marketing
Sau khi đã hoàn thành việc xác định mục tiêu kinh doanh, bước tiếp theo doanh nghiệp cần làm đó là xây dựng các mục tiêu về Marketing cho mình. 2 loại mục tiêu này luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, và những mục tiêu Marketing sẽ tác động trực tiếp đến khả năng đạt được mục tiêu kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp.
Các mục tiêu Marketing thường sẽ nhằm vào việc thay đổi hành vi nơi người tiêu dùng, thể hiện thông qua các chỉ số tiêu biểu sau:
- Lượng tiêu thụ (Consumption): Việc khuyến khích người tiêu dùng tăng lượng tiêu thụ sản phẩm là cách thức tốt giúp doanh nghiệp gia tăng sản lượng bán và doanh thu cho mình. Có 2 cách chính để tăng lượng tiêu thụ, bao gồm tăng lượng tiêu thụ mỗi lần sử dụng và tăng tần suất sử dụng sản phẩm.
- Mức độ thâm nhập thị trường (Market penetration): Market penetration có thể được hiểu là tập hợp các hoạt động của doanh nghiệp với mục tiêu cuối cùng là gia tăng khả năng thâm nhập và thị phần của mình trên thị trường. Doanh nghiệp cần đặt ra con số cụ thể trong mục tiêu tăng khả năng thâm nhập thị trường, từ đó triển khai các hoạt động cụ thể như: Giảm giá, khuyến mãi; tặng sản phẩm dùng thử; tăng tần suất quảng cáo hoặc bổ sung thêm các tính năng mới…
- Giá trị sử dụng (Value): Thông thường, yếu tố khiến cho khách hàng cảm thấy thỏa mãn về sản phẩm khi mua hàng là nhờ giá trị sử dụng cảm nhận được lớn hơn so với giá tiền họ phải bỏ ra. Vì vậy, việc gia tăng giá trị sử dụng của sản phẩm, dịch vụ luôn là một trong những mục tiêu Marketing quan trọng mà doanh nghiệp cần chú ý đến. Khách hàng lúc này sẽ cảm thấy thoả mãn hơn, sẵn sàng chi trả một mức giá cao hơn, hoặc gia tăng số lượng/tần suất mua của mình.
- Mức độ trung thành (Loyalty): Có nhiều yếu tố dẫn đến sự trung thành của khách hàng, có thể do họ cảm thấy thoải mái với những thói quen mua hàng lặp lại, hoặc do sản phẩm, thương hiệu thực sự phù hợp với bản thân họ. Do đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu chi tiết hành vi mua hàng lặp lại của người tiêu dùng, từ đó triển khai các dịch vụ khách hàng, tối đa hoá sự thoả mãn và biến họ trở thành khách hàng trung thành.
Communication Objective – Mục tiêu truyền thông
Sau khi những mục tiêu Marketing được đề xuất và phê duyệt, doanh nghiệp sẽ bắt đầu triển khai các kế hoạch, hoạt động Marketing cụ thể, trong đó bao gồm cả kế hoạch về truyền thông. Hãy luôn chắc chắn rằng doanh nghiệp sẽ luôn có một bản đề xuất mục tiêu truyền thông làm định hướng tổng thể giúp đạt được những hiệu quả cao nhất trong các chiến dịch truyền thông.
Doanh nghiệp có thể tham khảo những yếu tố chính sau khi đặt ra mục tiêu truyền thông, bao gồm:
Mức độ nhận thức (Awareness): Mỗi khi có nhu cầu cho một sản phẩm nào đó, trong tâm thức của khách hàng sẽ luôn xuất hiện một số thương hiệu cụ thể – là những thương hiệu tiềm năng mà họ yêu thích, tin tưởng và sẵn sàng bỏ tiền để mua sắm sản phẩm. Và đương nhiên, mọi doanh nghiệp sẽ đều muốn trở thành 1 trong những cái tên xuất hiện đầu tiên trong tâm trí của khách hàng, từ đó giúp tăng khả năng được lựa chọn khi họ tìm kiếm giải pháp thoả mãn nhu cầu của mình. Tuỳ vào khả năng hay tiềm lực, doanh nghiệp có thể hướng đến mục tiêu top-of-mind (xuất hiện đầu tiên) hoặc những vị trí xuất hiện ở vị trí thấp hơn.
Đặc trưng gắn liền với thương hiệu (Key attributes): Doanh nghiệp khi cho ra mắt một thương hiệu hay sản phẩm nào đó sẽ luôn có những đặc trưng riêng cả về lý tính lẫn cảm tính – là những điểm tạo nên định vị thương hiệu hay đặc điểm nổi bật, khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Mục tiêu lúc này của doanh nghiệp sẽ là in sâu những đặc trưng này trong tâm trí khách hàng càng rõ càng tốt, giúp định hình hình ảnh thương hiệu và góp phần khiến người tiêu dùng luôn nhớ đến thương hiệu.
Ngoài ra, một số chỉ số thuộc mục tiêu truyền thông khác mà doanh nghiệp cũng cần lưu tâm đó là:
- Chất lượng, mức độ đồng bộ, thống nhất của các sản phẩm truyền thông (Creative quality) như TVC, OOH…
- Khả năng tiếp cận, tương tác với người tiêu dùng (Channel quality) qua các chỉ số như Reach, Frequency, Engagement…
Tạm kết
Có thể thấy một người làm Marketing giỏi không chỉ đơn thuần là người có những ý tưởng, đề xuất vừa sáng tạo, bứt phá; mà còn phải có những góc nhìn logic để hoàn thành xuất sắc những chỉ số, mục tiêu kinh doanh đầy thách thức của doanh nghiệp.
Qua bài viết này chắc hẳn bạn đã có cái nhìn rõ ràng hơn về những mục tiêu quan trọng đứng đằng sau những chiến dịch Marketing & truyền thông. Để đọc thêm những bài viết và cập nhật những thông tin mới nhất về ngành truyền thông, đừng quên ghé thăm Fanpage của 5S Consulting & Media tại đây bạn nhé!