Ngày 6/1 vừa qua, sau hai bài đăng trên tài khoản Twitter của Tổng thống Donald Trump với tuyên bố gian lận về cử tri và tuyên bố “chiến thắng”, nền tảng mạng xã hội này đã dán nhãn cảnh báo và khóa tài khoản của ông Trump trong vòng 12 tiếng. Đây là một minh chứng rõ nét cho sức mạnh mềm của mạng xã hội.
Twitter khóa tài khoản của Trump trong 12 tiếng và cảnh báo khóa vĩnh viễn sau vụ biểu tình bạo lực của người ủng hộ Tổng thống tại quốc hội. “Do tình trạng bạo lực chưa từng có và đang diễn ra ở thủ đô Washington, chúng tôi đã yêu cầu xóa ba bài đăng trên tài khoản ‘realDonaldTrump’ đã được đăng trước đó trong ngày vì vi phạm nhiều lần và nghiêm trọng chính sách Toàn vẹn Bầu cử của chúng tôi. Nếu các bài đăng không bị xóa, tài khoản sẽ bị khóa vĩnh viễn”, Twitter cho biết trong một bài đăng tối 6/1 (sáng 7/1 giờ Hà Nội).
Khi những phát ngôn của Tổng thống trên mạng xã hội cũng có thể góp phần làm nên một cuộc bạo loạn chưa từng có đi vào lịch sử, khi một mạng xã hội phải khóa tài khoản nhằm ngăn chặn phát ngôn của người đứng đầu đất nước, sức mạnh mềm của công cụ kết nối này giờ đây khủng khiếp hơn sức tưởng tượng của chúng ta rất nhiều. Thông tin trên phương tiện truyền thông này không chỉ nhằm mục đích giải trí, gây sốt, câu like, mà giờ đây còn tác động đến chính trị, an ninh – những vấn đề đại sự của cả một quốc gia, dân tộc.
Quyền lực mềm không còn chỉ ở trong những kế hoạch chính trị
Theo giáo sư Joseph Nye, quyền lực mềm là dùng sức ảnh hưởng, sự cuốn hút của một chủ thể (một người, một nhóm, một cộng đồng…) tác động tới tư duy, hành động, hệ giá trị nào của đối tượng khác, khiến họ bị lôi cuốn theo một cách tự nguyện. Thuật ngữ này được các nhà phân tích và chính trị gia sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới.
Tưởng chừng như câu chuyện về sức mạnh mềm chỉ mang tầm cỡ thế giới như Hàn Quốc đã khiến giới trẻ toàn thế giới chìm đắm trong làn sóng “hallyu” ra sao hay nước Mỹ đã “phổ cập hóa” lối sống tự do của mình thế nào, sự xuất hiện và phổ biến của mạng xã hội đã biến câu chuyện ấy trở nên gần gũi với chúng ta hơn bao giờ hết. Không chỉ là những chính trị gia, người đứng đầu đất nước, quyền lực mềm nằm ngay trong tay chúng ta – những người sử dụng các nền tảng xã hội.
Sự bùng nổ của các trang mạng xã hội hiện nay khiến người dùng có thể tiếp nhận và chia sẻ thông tin với nhiều hình thức khác nhau. Xu hướng này khiến mạng xã hội trở thành một phương tiện truyền thông phổ biến, nhưng lại đầy nguy hiểm vì các thông tin không được kiểm duyệt kỹ lưỡng.
Mạng xã hội – Con dao hai lưỡi của quyền lực mềm
Mạng xã hội được ra đời với sứ mệnh kết nối con người. Không thể phủ nhận, từ ngày mạng xã hội xuất hiện, chúng ta mở rộng được sự kết nối với nhau, về cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Chúng ta cứ tận hưởng “món quà” đặc biệt này và vô tình trao cho nó một sức mạnh quá lớn.
Mạng xã hội gần như đã trở thành một trong những kênh thông tin chính của chúng ta trong thời điểm hiện tại nhờ tính tiện lợi và đa dạng. Khi áp dụng các lý thuyết về mô hình truyền thông, ta có thể thấy các nền tảng mạng này ưu việt hơn hẳn nhờ tính phản hồi (feedback) nhanh so với các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống như TV hay báo in. Các cơ quan nhà nước cũng không nằm ngoài cuộc chơi của mạng xã hội. Các trang Thông tin Chính phủ, hệ thống các kênh truyền hình và chương trình của VTV cũng đã xuất hiện trên Facebook và nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Thậm chí, Trung tâm Tin tức VTV24 hay Bộ Y Tế còn triển khai trên nền tảng Tik Tok để có thể đến gần hơn với khán giả trẻ, hay Bộ Ngoại giao được “lên sóng” Instagram để tiếp cận bạn bè quốc tế.
Tài khoản Tiktok của VTV24 đạt 1.000.000 lượt theo dõi
Không chỉ vậy, chúng ta còn tận dụng mạng xã hội trong các tình huống khẩn cấp. Khi có một vụ tai nạn, sự cố, thông tin trên mạng xã hội được lan tỏa nhanh chóng. Đây còn là một nguồn tin để các nhà báo tham khảo viết bài hay thu hút được sự chú ý của các cơ quan chức năng. Mạng sống của con người cũng có thể nằm trong tay của mạng xã hội.
Mặc dù vậy, mạng xã hội cũng tồn tại nhiều mặt trái. Tâm lý đám đông tạo điều kiện cho các hành vi lừa đảo. Các chương trình, lớp học đa cấp, các hot girl với những “thùng” kem trộn lên ngôi, chiếm được niềm tin, rồi tiền bạc của những “con cừu” trên mạng xã hội. Đồng ý sử dụng sức mạnh kết nối khủng khiếp của phương tiện này cũng là đồng ý kết nối với các đối tượng xấu, các thành phần lừa đảo.
Những mặt xấu của con người, trong đó có sự ganh ghét, thù hằn cũng dễ dàng bộc lộ. Không còn là những bài viết nhỏ lẻ “bóc phốt” từ người nổi tiếng đến những cá nhân bình dị, Việt Nam trong thời gian gần đây còn nổi lên phong trào những hội nhóm ghen ghét (anti) các ca sĩ, diễn viên. Hoa hậu Hương Giang là một ví dụ điển hình với nhóm Anti nữ hoàng đạo lý cùng hơn 100.000 thành viên. Hay diễn viên Khánh Vân vốn được yêu thích với vai Trà Long cùng đôi má lúm đồng tiền cũng là nạn nhân của nhóm Anti với gần 20.000 thành viên chỉ vì cô nàng cư xử “quá tiểu thư” trong show truyền hình thực tế “Sao nhập ngũ”.
Nghiêm trọng hơn, nó còn là “ngòi nổ” cho một cuộc bạo loạn lịch sử ở nước Mỹ. Ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ 4 năm của mình, Tổng thống Donald Trump còn bị cho rằng kích động cuộc bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6/1 vừa qua thông qua các bài đăng trên Twitter của mình. Mặc dù đã nhận thua trước Tổng thống đắc cử Joe Biden, ông đã kêu gọi những người ủng hộ ông đến thủ đô Washington D.C tuần hành vào ngày 6/1. Ngay sau dòng tweet này, nhiều người ủng hộ ông Trump đã tuần hành trước tòa nhà Capitol (tòa nhà Quốc hội) để bày tỏ sự tức giận và gây áp lực với các quan chức. Ngay sau đó, Twitter đã xóa bài đăng và tài khoản của Tổng thống.
2 tweet được coi là kêu gọi bạo loạn trên trang cá nhân của Tổng thống đã bị gỡ bỏ
Một cuộc bạo loạn chưa từng có xảy ra tại xứ cờ hoa, khiến tổng thống kế tiếp Joe Biden gọi là “ngày đen tối nhất lịch sử nước Mỹ”. Không ai có thể ngờ rằng, tất cả được gây ra bởi 2 dòng trạng thái trên mạng xã hội – điều mà chúng ta vẫn làm hàng ngày.
Suy cho cùng, mạng xã hội cũng chỉ là một công cụ, việc nó trở thành một loại sức mạnh mềm là do cách thức sử dụng của con người, và sử dụng theo hướng có lợi hay có hại cũng là theo mong muốn của mỗi cá nhân. Rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận được những tác động tích cực của sự ra đời mạng xã hội đã mang lại. Tuy nhiên, kiểm soát được “con dao hai lưỡi” không phải dễ dàng. Chính vì vậy, mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hãy có nhận thức đúng đắn về sức ảnh hưởng của mạng xã hội để không còn những câu chuyện đáng buồn mà sức mạnh mềm của nền tảng này gây ra.