Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến với Việt Nam cũng như toàn thế giới trong mọi lĩnh vực. Nó đã làm thay đổi cục diện các nước, làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức cũng như hành vi của con người. Là Marketer, chúng ta cần phải nhanh nhẹn thích ứng, thay đổi để phù hợp với nhu cầu của công chúng.
1. Báo chí truyền thống quay trở lại
Trong vài tháng đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, mức độ quan tâm và lượng truy cập của các trang báo truyền thống tăng vọt. Theo thống kê của Similar Web, lượng truy cập của tờ New York Times tăng hơn gấp đôi kể từ đầu mùa dịch. Điều này cũng đúng với các kênh báo ở nhiều nước khác. Một nghiên cứu của Edelman’s Trust Barometer trên 1.200 người tại 12 quốc gia ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á, đều chỉ rằng người dân nơi đây lựa chọn kênh thông tin báo chí là nguồn đáng tin cậy để cập nhật các thông tin mới nhất liên quan đến đại dịch COVID-19. Truyền thông truyền thống đã đạt một cột mốc mới 69% về mức độ tín nhiệm của khách hàng trên toàn cầu trong vòng 5 tháng qua.
Việt Nam không là ngoại lệ. Báo chí chính thống cũng đã khẳng định vai trò của mình với khả năng xác minh và đưa tin chính xác. Độ xác thực chính là ưu điểm để báo chí cạnh tranh với mạng xã hội. Vào đầu dịch, khi rất nhiều thông tin giả bị lan truyền trên mạng xã hội gây hoang mang, thì dư luận đã quyết định đặt niềm tin vào các trang báo uy tín. Trong thời gian cao điểm của dịch bệnh, nhiều trang báo điện tử tại Việt Nam đều chứng kiến lượng truy cập tăng đáng kể.
Với người làm truyền thông, đây là một điểm đáng lưu ý khi chọn các kênh tiếp cận công chúng trong những chiến dịch sau này.
2. Công nghệ được tận dụng tối đa – Live marketing lên ngôi
Trong những khó khăn đó vẫn còn nhiều ý tưởng soi sáng nhờ vào công nghệ và cách mà chúng ta áp dụng công nghệ để thực thi những chiến dịch truyền thông. Chưa bao giờ thế mạnh của thời đại 4.0 được thể hiện rõ rệt như trong mùa dịch COVID-19.
Trong 3 tháng đại dịch, cả những người không rành công nghệ cũng buộc phải làm quen với công nghệ để làm việc từ xa, họp hành/học tập trực tuyến, mua sắm trực tuyến giao hàng tận nơi… Một khi công chúng đã quen với việc sử dụng công nghệ, người làm truyền thông có thể tối ưu những kênh này để tương tác với khán giả.
Social Activation:
Giải pháp toàn diện để kết nối và tương tác với người dùng dựa trên các kênh social media, trong đó điển hình là livestreaming giúp đáp ứng nhanh tất cả các mục tiêu chỉ bằng một cú chạm màn hình. Chuỗi tương tác hoàn thiện hơn với việc nhận mẫu hoặc chốt mua được giao tận nhà, tạo hiệu quả cao trong việc giữ kết nối, tương tác trực tiếp với người dùng và tối ưu hóa ngân sách.
Reaction Activation:
Trải nghiệm thay – Trải nghiệm cùng KOL, đây được cho là phiên bản online của Experiential Marketing, giúp người dùng cảm nhận sản phẩm một cách chân thật, tương tác hỏi đáp trực tiếp dù đang ngồi tại nhà, nhờ đó dễ dàng xây dựng lòng tin nhờ vào cách truyền tải thông điệp từ KOL và uy tín từ họ với người hâm mộ.
Online event and workshop:
Đưa sự kiện hoặc hội thảo B2B / B2C hoàn toàn lên trực tuyến, dựa trên việc phát trực tiếp cho nhiều đầu cầu cùng hình thức tương tác hai chiều hoặc trình diễn giải trí, giúp sự kiện của thương hiệu, của công ty hoành tráng như một buổi truyền hình trực tiếp. Hiệu quả của Online Event chính là tối ưu chi phí đầu tư CPR / ROI cho thương hiệu.
3. Thay đổi niềm tin thương hiệu
Với bất kỳ một người tiêu dùng nào, chất lượng sản phẩm hay dịch vụ, trách nhiệm với xã hội, và giá trị cốt lõi doanh nghiệp cam kết đóng góp cho cộng đồng là những tiêu chí họ đặt lên hàng đầu nhưng có sự thay đổi về thứ tự trước mùa dịch và sau mùa dịch.
Nếu trước mùa dịch, tiêu chí đầu tiên của người tiêu dùng là chất lượng sản phẩm, thì ở thời điểm hiện tại, họ ưu tiên những thương hiệu đã chứng minh được trách nhiệm xã hội của mình. Rõ ràng, từ câu chuyện sản xuất bánh mì thanh long để giải cứu nông sản Việt, hay tài trợ sản phẩm và vật phẩm y tế, tiếp sức cho nhân viên y tế… các doanh nghiệp đã và đang gây thiện cảm với cộng đồng. Những ấn tượng tốt đẹp này sẽ được nhớ đến một thời gian dài, qua đó góp phần làm tăng sự tin tưởng của thương hiệu về sau trong cộng đồng.
Trách nhiệm xã hội không chỉ dừng ở những hoạt động từ thiện, mà có rất nhiều doanh nghiệp đã chung tay truyền thông thông điệp phòng chống COVID-19 trên các kênh sở hữu của họ. Những hành động này cho thấy giá trị đạo đức của doanh nghiệp, và nỗ lực đồng hành cùng xã hội trong lúc khó khăn, thay vì chỉ nghĩ đến doanh số.
Dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế – xã hội của toàn thế giới. Là Marketer, chúng ta cần nhìn thấy cơ hội trong thách thức – nắm bắt xu hướng tiêu dùng của công chúng để tạo ra những chiến dịch truyền thông thành công cho doanh nghiệp.